Chuyển đến nội dung chính

10 loại nhân bánh mì khiến người Sài Gòn "mê mẩn"

Ẩm thực đường phố không thể thiếu bánh mì, ở Sài Gòn cũng vậy. Thiên đường bánh mì ở TP này có vô vàn loại nhân hấp dẫn từ các loại chả, phá lấu, thịt gà, xíu mại, cá hộp, trứng...
Sức hấp dẫn của bánh mì Sài Gòn

Không phải một mà liên tục vài năm gần đây bánh mì Việt đặc biệt là bánh mì Sài Gòn là cái tên quen thuộc cho danh sách những món ngon đường phố ngon nhất thế giới do các tạp chí uy tín như Lonely Planet, CNN, Telegraph, National Geographic, BBC… bình chọn. Bánh mì Sài Gòn hấp dẫn nhờ vô vàn biến thể và dường như sự sáng tạo này chưa bao giờ dừng lại.


Dù cho có vô vàn lựa chọn nhân hấp dẫn, nhưng chìa khóa cho một ổ bánh mì ngon tuyệt còn nằm ở ổ bánh mì. Những ổ bánh mì cực kỳ mềm mại trước khi bán được nướng ở lò bên cạnh, để bạn có được cảm giác giòn tan trong miệng mỗi khi cắn một miếng. Bánh mì Sài Gòn còn đặc biệt ở chỗ không chỉ đầy ắp nhân mà còn hào phóng nhồi vào đó hỗn hợp xà lách, rau gia vị, dưa chua giòn, thơm.

10 loại nhân yêu thích của người Sài Gòn

1. Bánh mì chả

Không chỉ là loại nhân ăn kèm pa-tê, thịt nguội, những miếng chả lụa thơm giòn còn được phục vụ như một món riêng biệt. Để thực khách có thể cảm nhận đầy đủ hương vị của miếng chả lụa gói lá chuối, bánh mì chả lụa thường không cho thêm nguyên liệu khác mà chỉ tinh tế điểm chút muối tiêu mằn mặn. Người Sài Gòn khi thèm món này có thể ghé bất cứ xe bánh mì nào, hoặc sành điệu hơn thì ghé cửa hàng giò chả Minh Châu trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, hay bánh mì Như Lan, Hà Nội để làm một ổ.


Ngoài chả lụa, người Sài Gòn cũng dần bị chinh phục bởi hương vi thơm, dai, sần sật của nhân chả bò, một loại chả đặc sản của Đà Nẵng. Không chỉ có thì là, nhiều nơi còn cho thêm hành phi, pa-tê, phô-mai vào ổ bánh mì chả bò làm nên một biến thể vô cùng hấp dẫn. Nếu muốn ăn món này, bạn có thể ghé đến các tiệm bánh mì kẹp chả bò Đà Nẵng trên đường Nguyễn Thượng Hiền, hoặc hẻm 85 Bà Huyện Thanh Quan...

2. Trứng ốp-la

Trứng ốp-la chiên trên những chiếc chảo gang nhỏ sao cho sắc nét lớp viền, nửa sống nửa chín lòng đỏ, ăn kèm dưa chua, nước tương, tương ớt… cũng là một trong những kiểu thưởng thức bánh mì yêu thích của người Sài Gòn. Ngoài trứng ốp-la nhiều người còn thích làm một đĩa nhân thập cẩm với thịt xá xíu, xíu mại, pa tê…


Vì cách chế biến đơn giản nên bánh mì ốp-la có mặt ở hầu hết các tiệm bán bánh mì. Nhưng, với các tín đồ của bánh mì ốp-la chảo thì bánh mì Hòa Mã trên đường Cao Thắng được xem là địa chỉ “ruột”.

2. Chả cá

Không ngoa khi nói chẳng có thức ngon gì mà Sài Gòn không có. Bằng chứng là món chả cá chiên đặc sản miền biển cũng du nhập và dần trở thành một trong những loại nhân bánh mì được người Sài Gòn yêu thích.


Ổ bánh mì giòn kẹp chả cá thơm lừng vừa chiên xong, thêm vào một chút hành ngò, dưa chua, vài cọng rau răm, tương ớt là trọn vị. Hương thơm lừng của chả cá chiên hấp dẫn đến độ chỉ cần đi ngang qua cũng có thể nhận ra sự xuất hiện của món ngon này. Ngoài những xe bánh mì đường phố, tiệm bánh mì chả cá Vũng Tàu trên đường Bùi Thị Xuân, hay quán bánh mì chả cá góc đường Pasteur - Điện Biên Phủ là những địa điểm quen thuộc bạn có thể tham khảo khi muốn thưởng thức bánh mì chả cá.

4. Gà xé

Ngoài cá, thịt heo… gà cũng là nguyên liệu làm nhân bánh mì được yêu thích. Thịt gà xé sợi, sau khi nêm nếm vừa vị được rang trên chảo nóng cho hơi rám kẹp chung với ngò gai, hành lá, dưa leo... làm thành một món bánh mì ngon tuyệt.


Để thưởng thức bánh mì gà xé, bạn có thể ghé đến tiệm bánh mì gà xé nổi tiếng trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận; ngã 3 đường Thống Nhất - Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức hoặc dọc đường Trần Quốc Toản, Q.3.

5. Xíu mại

Nhân xíu mại khá quen thuộc nhưng nói ngon thì cũng chỉ vài chỗ. Một viên xíu mại ngon phải có độ thơm béo, dai dẻo vừa phải từ thịt băm nửa nạc, nửa mỡ. Bánh mì ăn xíu mại cũng phải đảm bảo nóng giòn để khi cho nhân vào người ăn có thể cảm nhận đủ đầy sự hòa quyện của vị thơm béo, giòn tan bánh mì nơi đầu lưỡi.


Để thưởng thức bánh mì xíu mại bạn có thể ghé đến tiệm bánh mì trên đường Nguyễn Kiệm (nằm ngay vòng xoay Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn), bán từ chiều đến đêm. Ngoài xíu mại thịt viên, ở Sài Gòn còn có món xíu mại khô với nước tương và giấm đỏ theo kiểu Hoa (tiệm bánh mì xíu mại khô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) và món xíu mại nước chấm kiểu Đà Lạt (hẻm 189 Cống Quỳnh, Q.1).

6. Thịt nướng

Không chỉ người Sài Gòn mà cả thực khách nước ngoài cũng phải thừa nhận rằng bánh mì nhân thịt nướng có một sức hút hương vị tuyệt vời. Người ăn thường phải công nhận rằng độ ngon của một ổ bánh mì thịt nướng nằm ở sự cân bằng giữa vị đậm đà, thơm sém của viên thịt nướng, vị ngọt dịu đặc trưng của nước tương, đồ chua, dưa leo, ngò và chút cay nhẹ sa tế.


Sài Gòn có rất nhiều xe bánh mì thịt nướng lưu động, nướng tại chỗ, vừa ngon vừa rẻ. Ngoài ra, xe bánh mì trước số 37 Nguyễn Trãi, Q.1 hay tủ bánh mì 60 Trương Quốc Dung, Q.Phú Nhuận cũng là những địa điểm quen thuộc mà người Sài Gòn thường lui tới.

7. Pa-tê, thịt nguội

Có thể xem bánh mì pa-tê, thịt nguội là món bánh mì chính hiệu Sài Gòn nhất trong số những món kể trên. Phổ biến đến độ 10 quán, xe, tủ kính bán bánh mì thì cũng đã có tới 8 quán bán bánh mì thập cẩm với nhân bơ, pa-tê, thịt nguội, chà bông… rau nhồi đầy ổ bánh.


Nhắc đến bánh mì thịt nguội, người yêu bánh mì thường nhớ đến tiệm “bánh mì ô môi” ở Lê Thị Riêng, Q.1, bán từ chiều đến khuya, tiệm Sáu Minh ở Võ Văn Tần, Lan Huệ ở Cách Mạng Tháng 8...

8. Phá lấu

Người Sài Gòn mê món phá lấu nên không có gì ngạc nhiên khi món ăn này hiện diện trong ổ bánh mì mà họ yêu thích. Có 2 cách thưởng thức là phá lấu có nước chấm kèm bánh mì và phá lấu khô nhét vào bánh mì. Phá lấu nước chấm có rất nhiều quán, nổi tiếng nhất là khu quận 4, đường Tôn Đản.


Người Sài Gòn gốc đa phần đều biết đến xe bánh mì phá lấu trên đường Pasteur bán từ chiều đến khuya. Ổ bánh mì ở đây có đầy đủ các loại phá lấu heo từ gan, lưỡi, thịt đầu, trứng cút phá lấu, ruột vịt, mề vịt… cho bạn lựa chọn. Ngoài ra xe bánh mì phá lấu trước số nhà 823 Nguyễn Trãi, Q.5 cũng là địa chỉ quen cho những ai có ý định thưởng thức những miếng phá lấu giòn sần sật, đậm vị.

9. Heo quay

Vốc thịt heo quay thơm lựng, tươm mỡ, gion giòn kẹp trong ổ bánh mì nóng cùng lát dưa leo, đồ chua, ngò, ớt với nước chan đậm đà cũng là phiên bản bánh mì được yêu thích ở Sài Gòn.


Ngoài những xe bánh mì, bánh mì heo quay còn có thể mua ở tiệm chuyên bán heo quay, vịt quay. Một vài địa chỉ quen thuộc là tiệm bánh mì heo quay Liên Thái trên đường Trần Đình Xu hoặc các tiệm bánh mì đường Nơ Trang Long, đoạn giao giữa Nơ Trang Long, Phan Văn Trị, Bình Thạnh.

10. Bì

Bì không chỉ là món ăn kèm ngon tuyệt của cơm tấm bì mà còn kết hợp rất “duyên” với bánh mì. Để tăng thêm độ hấp dẫn của món bì trộn thính thơm lừng, người bán thường phải dụng công pha chế nước chan, nước mắm sao cho đậm đà, vừa vị, rồi thêm vào vài lát dưa leo, đồ chua.


Với món bánh mì bì, dân “đạo” bánh mì thường rỉ tai nhau quán bánh mì bì có thâm niên 20 năm tại số 150 Nguyễn Trãi, Q.1 mở cửa từ sáng đến trưa.

Ngoài 10 loại nhân phổ biến trên, bánh mì Sài Gòn còn có nhiều loại nhân khác như cá hộp, khô bò, thịt dê, chà bông… Bên cạnh đó là các loại bánh mì ngoại như Thổ Nhĩ Kỳ, bánh mì que Pháp, bánh mì không nhân Paparoti...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ngon nổi tiếng ở Bạc Liêu

Khi đến với Bạc Liêu, du khách không chỉ được đắm chìm vào những câu vọng cổ mượt mà, thiết tha đi vào lòng người, mà còn được níu giữ bởi những món ăn ngon đậm chất miền sông nước. Bánh canh tôm nước cốt dừa Đây là món ăn có sự kết hợp hài hoà giữa vị mặn và ngọt béo, tuy lạ miệng nhưng rất ngon và hấp dẫn nhiều du khách khi đến Bạc Liêu. Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, thường để cho sợi bánh ngon thì người ta làm thủ công. Nước dừa thanh ngọt hoà chung với sườn heo được hầm kĩ, tôm tươi làm sạch, bỏ đầu, bóc vỏ ướp gia vị rồi xào vừa chín tới. Khi có khách, chủ quán cho sợi bánh canh vào nồi trụng chín rồi cho nước sup vào, thêm ít tôm xào và nước cốt dừa. Rắc ít tiêu xay và hành ngò là thực khách có thể dùng ngay tô bánh canh đậm đà. Bánh canh nước cốt dừa tạo hương vị vừa lạ vừa quen miệng bởi độ thơm thơm béo béo Mắm chua Vĩnh Hưng Nói đến mắm chua ở Bạc Liêu, thì không thể bỏ qua món mắm chua trứ danh Vĩnh Hưng. Tuy là mắm, nhưng mắm chua chỉ để được đối đa nửa tháng. Mắm

Thương nhớ vị thịt chua xứ Mường

Vùng Thanh Sơn (Phú Thọ) không chỉ nổi tiếng bởi danh lam thắng cảnh, mà còn bởi những món ăn đậm đà hương vị dân tộc, mà thịt chua một ví dụ điển hình. Nơi đây vốn là vùng cư trú của đồng bào dân tộc Mường. Nền ẩm thực truyền thống của người xứ Mường bao đời nay gắn liền với món thịt chua. Theo những già làng, khi xưa mảnh đất này có nhiều lợn rừng, lợn đen ngon. Khi mổ lợn, muốn giữ ăn lâu ngày người dân đã nghĩ ra cách làm món thịt chua để ăn dần. Những vật dụng quen thuộc như ống tre, ống nứa được tận dụng để mưới thịt, đơn giản bằng cách cho thịt lợn vào rồi bịt kín đầu và treo lên gác bếp để ăn quanh năm. Thịt lợn ăn kèm với rau rừng, hương vị rất riêng của vùng đất xứ Mường Ấy là khi xưa, còn hiện tại với cuộc sống thuận lợi, đầy đủ hơn nên người Mường Thanh Sơn chế biến và muối thịt chua vào chai lọ cho tiện. Thoạt nghe qua, ta hình dung món thịt chua khá đơn giản, nhưng thực tế nó đòi hỏi nguyên liệu hết sức cầu kỳ. Lợn để làm thịt chua phải là lợn Mán đen, nuôi tự nhiên, khôn

13 đặc sản Phú Yên làm say lòng du khách.

Sò huyết Ô Loan, gỏi cá mai, bún mực, bò một nắng, ghẹ Sông Cầu.. là những đặc sản đã gắn liền với vùng đất du lịch Phú Yên. Xôi bồ câu được xem là đặc sản của xã An Định, huyện Tuy An. Bồ câu sau khi làm sạch băm nhuyễn, xào chín với hành, dầu, tiêu, ớt, tỏi, rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Sau khi xôi chín thì nhanh tay trộn đều cùng với phần thịt vừa xào . Khi ăn, dọm kèm xôi với bồ câu rô ti. Xôi bồ câu có hương vị đặc sắc cùng cách chế biến khá công phu Cá nục hấp là món ăn dân dã, không cầu kì trong chế biến nhưng hương vị lại hấp dẫn khó quên. Để có món cá hấp ngon thì nhất định phải chọn loại cá tươi, kích thước vừa phải ( không quá to, cũng không quá nhỏ). Cá sau khi được hấp chín thì ăn kèm với rau sống, bánh tráng nướng (bánh đa). Điều đặc biệt là nước chấm ăn kèm phải là nước cá kho. Bún mực: Nếu bún mực ở Khánh Hòa có nước dùng thanh ngọt thì bún mực ở Phú Yên lại có vị chua chua để món ăn không ngán. Tô bún mực với sợi bún trắng phau, nước dùng trong vắt có v